Lời nói đầu
Ý kiến của đại diện Gia tộc
Tóm tắt nguồn gốc dòng tộc
Phả đồ tộc và các chi, phái
Thân thế sự nghiệp của nguyên tiền thủy tổ
Tài liệu tham khảo

 

THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA NGUYÊN TIỀN THỦY TỔ,

MỘT SỐ VỊ TIÊN TỔ
*****

 

1/ Nguyễn Bặc (Trích “Những nhân vật lịch sử thời Đinh – Lê”, nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc năm 2007, trang 32-38):

 

Nguyễn Bặc (924-980) là đệ nhất công thần, một trong “Tứ Trụ” của nhà Đinh. Ông sinh năm Giáp Thân (924), cùng tuổi và cùng làng Đại Hữu với vua Đinh. Sau này, ông giúp Đinh Bộ Lĩnh bình định mười hai sứ quân, lập công lớn, được vua Đinh phong là Định Quốc công, vị trí như Tể tướng trong triều đình nhà Đinh.

Theo gia phả, Nguyễn Bặc là con trai Nguyễn Thước, một gia tướng của Dương Đình Nghệ. Hiện nay, gần núi Kỳ Lân, thuộc thôn Văn Hà, xã Gia Phương (Gia Viễn, Ninh Bình) còn di tích mộ phát tích của họ Nguyễn Bặc và họ Đinh Bộ Lĩnh.

Năm 951, Đinh Bộ Lĩnh dấy binh ở động Hoa Lư để mưu cầu thống nhất giang sơn. Nguyễn Bặc đã có mặt ngay từ buổi đầu dưới ngọn cờ đại nghĩa đó. Trong những năm tháng đánh dẹp các sứ quân, Nguyễn Bặc luôn luôn bên cạnh Vạn Thắng Vương và là vị tướng dũng lược tiên phong.

Theo thần phả đình Ba Dân ở Thanh Trì (Hà Nội), ngày 6-6-967 (Đinh Mão), Đinh Bộ Lĩnh điều một đạo quân do tướng Nguyễn Bồ chỉ huy tiến đánh sứ quân Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt, một sứ quân mạnh nhất lúc bấy giờ, nhưng nhiều ngày vẫn không hạ được thành. Tướng Nguyễn Bồ (là em ruột Nguyễn Bặc) và ba tướng khác, cùng rất nhiều binh lính đều tử trận. Đinh Bộ Lĩnh cả giận, thống lĩnh toàn quân, cử Nguyễn Bặc làm Đại tướng tiên phong, đánh một trận phá tan sứ quân Nguyễn Siêu vào ngày 15-7-967 (Đinh Mão). Đến nay, bốn làng Tây Phù Liệt còn đền thờ các tướng Nguyễn Bặc và Nguyễn Bồ làm Thành hoàng. Chiến thắng Tây Phù Liệt, phá tan sứ quân Nguyễn Siêu, có ý nghĩa quyết định trong việc kết thúc thắng lợi công cuộc dẹp loạn 12 sứ quân, đưa giang sơn về một mối của nghĩa quân Hoa Lư do Vạn Thắng Vương thống lĩnh.

Nguyễn Bặc trưởng thành nhanh chóng, trở thành vị tướng tài ba bậc nhất của Vạn Thắng Vương. Khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, Nguyễn Bặc đươc xếp là Đệ nhất công thần, đứng đầu các quan văn võ; nhưng khi thiết triều, ông khiêm tốn ngồi sau Đinh Điền, vì ông cho rằng, Đinh Điền cũng là bạn đồng niên, đồng hương, lại cùng họ với vua Đinh.

Chuyện kể lại rằng, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân thắng lợi, vua Đinh phân vân nên lấy vị hiệu cũ là Vạn Thắng Vương hay xưng đế. Chính Định Quốc Công Nguyễn Bặc tâu rằng: “Ngày nay, nhà vua đã thống nhất bờ cõi, thu giang sơn về một mối, dân chúng khắp nơi một lòng quy phục, có thực lực mạnh hơn hẳn Lý Nam Đế và Ngô Vương Quyền trước đây, tại sao chỉ xưng vương mà không xưng đế như các triều vua phương Bắc? Nhà vua không lên ngôi Hoàng đế, dựng nền chính thống của nước Đại Cồ Việt ta thì còn ai làm được việc đó? Trước đây, nhà Nam Hán đem hàng vạn quân thủy bộ sang xâm lược nước ta đã bị Ngô Vương Quyền đánh cho tan tác ở cửa sông Bạch Đằng. Nay nhà vua có binh hùng, tướng mạnh gấp nhiều lần thì sợ gì giặc Bắc?”.

Nghe lời khuyên của Nguyễn Bặc, các đại thần đồng thanh dâng vị hiệu, Đinh Bộ Lĩnh quyết định xưng Hoàng đế, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế.

Lại một chuyện khác. Khi tìm đất định đô, Đinh Bộ Lĩnh định lập đô ở Đại hữu quê nhà, nhưng Nguyễn Bặc đã khuyên vua Đinh rằng, đất Đại Hữu không hiểm trở, nên lấy Hoa Lư làm đô. Chính “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng chép: “Khi ấy mười hai sứ quân đều tự làm hùng trưởng cắt giữ đất đai… vua đánh dẹp được cả, mới tự xưng đế, chọn chỗ đất phẳng ở Đàm Thôn, muốn dựng làm kinh đô, nhưng thế đất chập hẹp, lại không có lợi về sự đặt hiểm, nên lại đóng đô ở Hoa Lư (nay là phủ Trường Yên)”.

Năm Tân Mùi (971), Nguyễn Bặc được vua Đinh gia phong là Khai quốc công thần, Phụ quốc, Thừa tướng, Thái Tể Định Quốc Công, tức là vị Tể tướng đầu tiên trong lịch sử nước ta từ thế kỷ thứ X. Lúc này ông vừa 47 tuổi đời. Là một vị Tể tướng, ông cũng rất chý ý tiến cử người hiền tài cho vua Đinh. Khi vua Đinh định trao cho ông cả chính quyền và binh quyền, ông đã từ chối mà tiến cử Lê Hoàn, một viên tướng trẻ đầy tài năng, hiện dang dưới quyền Nam Việt Vương Đinh Liễn, lên làm Thập đạo Tướng quân (chức Tổng chỉ huy quân đội thời Đinh).

Trong ngót 10 năm, với vị trí là người đứng đầu bộ máy hành chính triều Đinh, Nguyễn Bặc đã giúp vua Đinh xây dựng hệ thống chính quyền phong kiến tập trung, thống nhất, xóa bỏ cát cứ, xây thành đắp hào, làm cung điện, đặt triều nghi. Về kinh tế, nhà Đinh đã chú trọng phát triển nông nghiệp và mở mang ngành nghề thủ công. Về quân sự, nhà Đinh đã xây dựng quân đội thống nhất gồm 10 đạo, phiên chế thành các lữ, tốt. Đây là lực lượng quân đội khá hùng mạnh lúc bấy giờ và là lực lượng chủ lực để phá Tống, bình Chiêm sau này. Về ngoại giao, quan hệ bang giao với nhà Tống lúc bấy giờ cũng rất thành công. Trong vòng 8 năm, từ năm 969 đến năm 977, triều Đinh đã 5 lần cử phái đoàn sứ giả sang Trung Quốc giao hảo và được nhà Tống cử sứ thần sang đáp lễ. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, nhà nước phong kiến Trung Quốc công nhận nước ta là một nước độc lập, tự chủ. Phan Huy Chú nhận xét: “Đến khi Đinh Tiên Hoàng bình định các sứ quân, khôi phục và mở mang bờ cõi, bấy giờ Trung Quốc mới công nhận nước ta đứng riêng là một nước”.

Đêm Trung Thu năm Kỷ Mão (979), Đinh Tiên Hoàng và con trai là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại. Sau đó, triều đình tôn Vệ Vương Đinh Toàn lên làm vua kế vị. Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn xưng là Phó Vương, lại có tình riêng với Thái hậu Dương Văn Nga. Đinh Điền và Nguyễn Bặc hội quân ở Ái Châu (Thanh Hóa) kéo về Hoa Lư để đánh Lê Hoàn. Sử cũ chép: “Bấy giờ Hoàn mới chỉnh đốn binh sĩ, đánh nhau với Điền, Bặc ở Tây Đô (Thanh Hóa). Điền, Bặc thua chạy, lại đem thủy quân ra đánh. Hoàn nhân gió phóng lửa đốt chiến thuyền, chém Điền tại trận, bắt được Bặc đóng cũi đưa về kinh sư kể tội… bèn chém đầu để rao”.

Theo gia phả thì Nguyễn Bặc bị hành quyết ngày 15 tháng 10 năm Kỷ Mão, tức ngày 7-11-979 ở Ngô Khê Thượng, ngoại thành Hoa Lư. Kinh Thành Hoa Lư có 9 vòng thành, Ngô Kế Thượng là vòng thành thứ 7, là nhiệm sở của ông khi còn sống. Đến nay ở đây vẫn còn đền thờ và có tượng của ông. Khu bản doanh cũ của ông nay gọi là làng Hành Khiển.

Sau khi Nguyễn Bặc bị hành quyết, gia thần của ông được lượm xác, đưa xuống thuyền chở về an táng tại Đại Hữu quê nhà. Đến thời nhà Lý, ông được truy phong là Phúc thần.

Khi bàn về việc Đinh Điền và Nguyễn Bặc dấy quân chống lại Lê Hoàn, sử thần Ngô Sĩ Liên viết thật chí lý và xác đáng: “Ngày xưa, Chu Công (Người thời Chu – Trung Quốc – Nhiếp chính cho cháu ruột Thành Vương khi còn nhỏ tuổi) là người tôn thất rất thân giúp vua còn nhỏ tuổi, còn không khỏi có lời gièm pha. Lê Hoàn là đại thần họ khác, tay nắm binh quyền, lại làm việc như Chu Công, thường tình còn ngờ, huống chi là Nguyễn Bặc ở chức Thủ tướng và Đinh Điền là đại thần cùng họ? Việc khởi binh ấy không phải là làm loạn, là một lòng phò tá họ Đinh, đánh Hoàn không được mà chết, cái chết ấy là đáng chỗ”.

Sau khi Nguyễn Bặc bị hành quyết, con cháu ông bỏ làng chạy lên Kinh Bắc (Bắc Ninh) và vào Tống Sơn (Thanh Hóa). Nguyễn Bặc có hai con trai là Nguyễn Đê và Nguyễn Đạt. Sau này Nguyễn Đê đã giúp Lý Công Uẩn lật đổ Lê Ngọa Triều, lên ngôi vua, thay nhà Tiền Lê đã mục nát.

Dòng Nguyễn Đê, con cả Nguyễn Bặc, về sau cũng rất phát đạt. Nguyễn Trãi thuộc đời thứ 10, Nguyễn Hoàng, Chúa Nguyễn đầu tiên mở mang và gây nên nghiệp lớn nhà Nguyễn sau này thuộc đời thứ 15 của Nguyễn Bặc.

Nguyễn Bặc là một trong những nhân vật lịch sử xuất sắc của đất nước ta cuối thế kỷ X, là vị anh hùng dân tộc có công lớn trong sự nghiệp dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, dựng nền chính thống Đại Cồ Việt. Có khá nhiều thơ văn, câu đối ca ngợi công đức của ông. Từ đường họ Nguyễn ở thôn Vĩnh Ninh, xã Gia Phương (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) là quê hương của ông, có bức đại tự rất đáng tự hào “Khởi nguyên đường” (khởi đầu dòng họ Nguyễn). Đền thờ ông ở Ngô Hạ (Ninh Hòa, Hoa Lư, Ninh Bình) cũng có bức đại tự “Trung quán nhật nguyệt” (trong sáng như mặt trời, mặt trăng). Đền thờ họ Nguyễn ở Gia Miêu (Hà Trung, Thanh Hóa) có đôi câu đối rất hay, nói lên sự nối tiếp vẻ vang của dòng họ Nguyễn:

“Duệ xuất Gia Miêu vương tích hiển

Khánh lưu Đại Hữu tướng môn quang”

 

Tạm dịch:

Cửa tướng phúc dày làng Đại Hữu

Dòng Vương nối ở đất Gia Miêu.

 

2/ Nguyễn Đê (Trích “Những nhân vật lịch sử thời Đinh – Lê”, nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc năm 2007, trang 52-53):

 

Nguyễn Đê là con trai đầu của Định Quốc công Nguyễn Bặc. Về năm sinh, năm mất của Nguyễn Đê chưa thấy tài liệu nào nói tới. Chỉ biết rằng, khi cha ông còn tại chức trong triều đình Hoa Lư thời Đinh Tiên đế thì ông luôn được bên cạnh Người, được nuôi dạy cả về văn chương và võ nghệ. Sau khi Nguyễn Bặc bị Lê Đại Hành bắt đem về kinh sư Hoa Lư hành quyết, Nguyễn Đê cùng em trai là Nguyễn Đạt và gia quyến bỏ kinh thành Hoa Lư, bỏ làng Đại Hữu, chạy lên Kinh Bắc (Bắc Ninh) để lánh nạn. Sau đó, Nguyễn Đê xung quân. Vừa để xoa dịu lòng dân, lại khống chế được Nguyễn Đê, Lê Đại Hành dùng ông vào quân cấm vệ của triều đình. Ngay cả Vệ Vương Đinh Toàn (con trai vua Đinh Tiên Hoàng) sau khi bị phế truất, Lê Đại Hành cũng cho làm tướng, luôn bên cạnh nhà vua, một phần gia công ân đức để thiên hạ nhìn vào, một mặt để dễ bề khống chế. Nguyễn Đê không nguôi mối thù của cha mình, nhưng chưa có cơ hội để nổi dậy. Ông vẫn tỏ ra trung thành với nhà Lê, như không hề nghĩ gì về mối thù phải trả với Lê Đại Hành. Đến thời Lê Ngọa Triều (1005-1009), Nguyễn Đê được phong tới chức Hữu Điện tiền Chỉ huy sứ, coi giữ 500 quân tùy long (quân luôn đi theo nhà vua). Ông lại là chỗ tâm phúc, tâm giao với Lý Công Uẩn, lúc này đang giữ chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ và ngầm liên kết với quan Chi hậu Đào Cam Mộc để lật đổ Lê Ngọa Triều, phò Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế. Đại Việt Sử ký ghi lại rằng: Khi Lê Ngọa Triều (Lê Long Đĩnh) băng hà, vua nối (chỉ Lê Xạ, con Lê Long Đĩnh) còn bé, Lý Công Uẩn cùng với Hữu Điện Tiền Chỉ Huy Sứ là Nguyễn Đê, mỗi người được đem 500 quân tùy long canh giữ, Đào Cam Mộc là quan Chi Hậu đã gặp quan Thân Vệ là Lý Công Uẩn, phân tích thời thế, lòng người và khuyên Lý Công Uẩn: “Nhân lúc này, vận dụng mưu cao, quyết đoán sáng suốt, xa thì xem dấu cũ Thang Vũ, gần thì xem việc làm của Đinh – Lê, trên thuận lòng trời, dưới theo lòng dân” để lên ngôi Hoàng đế, thay nhà Lê đã đổ nát. Nguyễn Đê đã cùng Đào Cam Mộc dìu Lý Công Uẩn lên chính điện, lập làm vua. “Trăm quan đều lạy rạp ở dưới sân, trong ngoài đều hô “vạn tuế”, vang dậy cả trong triều”. Như vậy, cùng với Đào Cam Mộc, Nguyễn Đê đã sáng suốt tìm thấy chân chúa anh minh là Lý Công Uẩn để thay thế nhà Lê đã đổ nát, suy vi. Hành động sáng suốt đó của ông vừa báo ơn nước, vừa trả được thù cho cha. Sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, sắc phong cho Nguyễn Đê làm Quốc Công, Đào Cam Mộc làm Nghĩa Tín Hầu.

Con cháu Nguyễn Đê về các triều đại sau này rất phát đạt, sinh ra những nhân vật lịch sử như Nguyễn Ứng Long, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Lý, Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng, đặc biệt là Nguyễn Hoàng con trai Nguyễn Kim là người khai sáng ra nhà Nguyễn sau này.

 

3/ Nguyễn Công Duẫn (Trích trang 169 “Nghiên cứu phần thượng phả dòng họ Nguyễn Bặc” tác giả Nguyễn Thế Hiển, nhà xuất bản Thế giới tháng 1/2002):

 

Nguyễn Công Duẫn là con thứ tư của Nguyễn Chư.

Ông theo Lê Thái Tổ đánh giặc Minh lập nhiều công. Lúc đầu được phong là Trợ Thuận Hầu. Công lao lớn nhất của ông là lo việc quân lương của nghĩa quân Lam Sơn. Khi mới khởi nghĩa, ông cung cấp được 3.500 thạch. Khi nghĩa quân bị bao vây, ông cũng chạy được 5.300 thạch. Khi nghĩa quân vào Nghệ An, ông chạy được 7.500 thạch lương, 500 bao muối. Sau thắng lợi, ông được phong là Bình Ngô khai quốc công thần. Đại đội trưởng (một cấp tướng) của Bắc Vệ Quân. Phụng Sự Đại Phủ Đô Đốc Thiện Sự. Sau có lúc ông cầm quân giữ sách Lê Hoa (Lào Kay) quân Mộc Thanh cũng phải kiêng nể. Ông được mệnh danh là “Hổ đầu tướng quân”.

Khi về già, ông được nắm quyền coi việc quân dân của huyện nhà ở Tống Giang, được ban quốc tính và 470 mẫu, 5 sào ruộng đất vĩnh viễn làm của riêng. Ông đã xin đổi tên huyện Tống Giang thành huyện Tống Sơn, thôn Gia Hưng thành Gia Miêu ngoại trang.

Ông mất ngày 1 (có phả ghi ngày 7) tháng 7, được ban tên thụy là Bảo Toàn.

Lê Hiến Tông truy tặng ông là Thái Bảo Hoàng Quốc Công. Mộ táng tại núi Thiên Tôn.

Vợ chánh thất: Mai Thị Ánh. Bà được phong Lệnh nhân. Vua Hiến Tông truy phong Hợp phu nhân. Bà có tên hiệu là Từ Nhan, mất ngày 8 tháng 4, táng tại núi Thiên Tôn.

Ông sinh 7 con trai: Đức Trung, Nhân Chính, Nhữ Hiếu, Nhữ Trác, Văn Lỗ, Văn Lễ, Bá Cao. Và 3 con gái: Thị Phát, Thị Đôi, Thị Ba. Phả Hải Hậu ghi thêm một con trai thứ 8 là Nguyễn Công Cơ (vô khảo).

 

4/ Nguyễn Bá Cao (Trích trang 196 “Nghiên cứu phần thượng phả dòng họ Nguyễn Bặc” tác giả Nguyễn Thế Hiển, nhà xuất bản Thế giới tháng 1/2002):

 

Nguyễn Bá Cao là con thứ bảy của Nguyễn Công Duẫn. Ông làm quan từ thời Thánh Tông, có tham gia hạ bệ Uy Mục, được phong là Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, Thượng Trụ Quốc, Thái Phó Phổ Quận Công. Táng tại Gia Miêu. Thụy là Trịnh Tâm.

 

5/ Nguyễn Liễu (Trích trang 310 “Nghiên cứu phần thượng phả dòng họ Nguyễn Bặc” tác giả Nguyễn Thế Hiển, nhà xuất bản Thế giới tháng 1/2002):

 

Nguyễn Liễu là con trai của Nguyễn Hiếu, năm Canh Thân (1560) ông cùng em đưa gia đình vào Nam theo Đoan Quốc Công được đi chiêu dân lập ấp ở Bích Trâm (Điện Bàn, Quảng Nam). Nay có một chi họ Nguyễn đông đúc ở đấy. Ông được phong Tiên Hiền Tán Lý Lộc Quận Công, được thờ làm thành hoàng làng Bích Trâm.

 

 

Số người truy cập trang WEB: visitor counter
Toàn bộ thông tin trong gia phả này là thuộc bản quyền của tộc Nguyễn Quang Tiền làng Bích Trâm - xã Điện Hòa - huyện Điện Bàn - tỉnh Quảng Nam.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người đại diện tộc Nguyễn Quang Tiền.
Để liên lạc, tìm hiểu thông tin xin vui lòng liên hệ Email: pminh36@gmail.com.
Di động: 0945.313.336.
Đà Nẵng, tháng 12 năm 2007.